Đời Sống Cộng Đoàn

LỜI MỞ ĐẦU

Theo đề nghị của cha đặc trách, trong khuôn khổ của giờ học và thuyết trình đề tài, xin mạn phép chia sẻ cùng anh chị em một chút về đời sống cộng đoàn dựa trên cuốn sách: Đời Sống Cộng Đoàn, nơi tha thứ và lễ hội, ( la communauté, lieu du pardon et de la fête) của tác giả Jean Vanier, người dịch linh mục Nguyễn Ngọc Mỹ.

Đời sống cộng đoàn, một khái niệm hết sức quen thuộc đối với mọi người, nhất là những người theo ơn gọi tu trì ở các dòng tu, tu hội. Vì vậy, khi nói về đời sống cộng đoàn chắc mọi người ai cũng đã biết, không ít thì nhiều qua sách vở, qua các bài giảng của các linh mục, các buổi chia sẽ và nhất là qua trãi nghiệm cuộc sống trong cộng đoàn. Nhưng phần đông trong chúng ta khó mà hiểu hết được ý nghĩa và trách nhiệm trong đời sống cộng đoàn. Vấn đề hiểu đã khó, nhưng còn vấn đề sống như thế nào lại càng khó hơn !

Sau đây là một vài ý tưởng xin được phép chia sẽ để phần nào gợi lại cho chúng ta nhớ, và cũng là lúc để chúng ta nhìn lại thời gian qua mình đã sống và làm như thế nào trong cộng đoàn nơi mình sống. Và con xin được chia thành các ý nhỏ sau.

1. Cộng đoàn

2. Đặc tính cộng đoàn

3. Tương quan các cá thể trong cộng đoàn

4. Sứ vụ cộng đoàn

  1. 1. CỘNG ĐOÀN

Cộng đoàn là tập hợp một số người cùng sống chung cho một lý tửơng, một mục đích, là nơi mọi người đều tìm thấy niềm vui của chính mình khi sống với anh em, khi phấn đấu học hành, làm việc phục vụ anh em, phục vụ mọi người theo lý tưởng chung.

“Cộng đoàn là nơi thuộc về” (ĐSCĐ), vì thế khi bước vào cộng đoàn thì ta đã thuộc về cộng đoàn và cộng đoàn thuộc về ta. Cũng như khi ta chịu phép rữa tội là khi ta thuộc về dân riêng của Chúa, thuộc về cộng đoàn Giáo Hội của Người.

Cộng đoàn khác với một nhóm bạn, một nhóm người. Cộng đoàn là nơi người ta trao đổi với nhau về trách nhiệm, mục đích, tinh thần hợp nhất và tinh thần liên kết với Thiên Chúa. Cộng đoàn tiên khởi của chúng ta là gia đình, trong đó moi người đều chăm lo làm ăn xây đắp gia đình được ấm no, hạnh phúc… Đi xa hơn một chút nữa, ta có cộng đoàn giáo họ, giáo xứ, giáo hạt, giáo phận…, cộng đoàn Giáo hội hoàn cầu. Nhưng ngày nay, khi nói đến cộng đoàn là người ta thường nói đến các cộng đoàn dòng tu. Và điều con muốn chia sẽ đó cũng chính là đời sống cộng đoàn dòng tu.

2. ĐẶC TÍNH CỘNG ĐOÀN

a. Cộng đoàn là một thể thống nhất, sống động

Một đoàn tàu để có thể chạy được thì cần phải có đầu tàu, một xí nghiệp muốn hoạt động tốt thì cần phải có người lãnh đạo là giám đốc, phó giám đốc… Cũng như trong một đất nước muốn phát triển, đứng vững được thì cần phải có chủ tịch hoặc tổng thống, phó chủ tịch, thủ tướng… và các bộ nghành khác, tất cả các cấp bộ nghành phải thống nhất với nhau. Trong cộng đoàn cũng vậy, cần phải có một người đứng đầu mà ta hay gọi đó là bề trên, rồi đến quản lý… và sau đó là các thành viên trong cộng đoàn.

b. Tính cởi mở

Một cộng đoàn mà tự đóng kín thì hỏi cộng đoàn đó tồn tại sao được và không sớm thì muộn cũng sẽ bị chết ngạt. Vì thế, công đoàn là nơi mà cánh cửa không bao giờ đóng để các thành viên trong cộng đoàn tiếp đón nhau, tiếp đón mọi người xung quanh. Cánh cữa của nhà dòng chỉ là cánh phụ, cánh cữa tạm thời, thời gian, mưa gió nó sẽ bị hư hỏng. Nhưng cánh cữa chính, đó là cánh của tâm hồn, cánh cữa lòng của mỗi người mà thời tiết khí hậu không làm hại được nó. Chỉ có tội lỗi và sự ích kỷ của con người mới làm hoen úa được thôi. Vì vậy, để cánh cựa đó luôn vững chắc và bền lâu thì cần phải mở ra để tiếp đón Thiên Chúa nguồn mạch tình yêu, nguồn sống mới và tiếp đón anh em trong yêu thương.

Nhiều người nghị rằng khi đi vào dòng kín là người ta không còn tiếp xúc, quan tâm với thế giới bên ngoài nữa. Nhưng thực ra không phải thế, khi họ cầu nguyện là họ kết hợp với Thiên Chúa và đồng hành với chúng ta trong những lời kinh, bài hát… Họ đồng hành với những người đau yếu, bệnh tật, già nua, những nơi hỏa hoạn, chiến tranh… qua những lời cầu xin với Chúa Cha.

* Tính liên đới với Thiên Chúa

Bánh nuôi sống cộng đoàn chính là Thánh thể và các giờ kinh chung trong cộng đoàn. Chính những của ăn này làm cho đời sống cộng đoàn phát triển bền vững, tạo mối dây liên kết với Thiên Chúa và với mọi người còn sống cũng như đã qua đời. Trong đời sống cộng đoàn mọi người đều được mời gọi đào sâu đời sống cầu nguyện để kết hợp với Chúa qua cây Thập Tự và kết hợp với anh em qua lời kinh, lời cầu cho sự hợp nhất, yêu thương. Một cộng đoàn mà bỏ lơ việc đọc kinh, cầu nguyện chung và tham dự thánh lễ hàng ngày thì hỏi nó tồn tại sao được?  Cũng như con người, nếu bỏ lơ việc ăn uống thì sống làm sao nổi.

* Nơi học yêu thương và tha thứ

Cộng đoàn là Hội thánh Chúa Ki-tô thu nhỏ, trong cộng đoàn mọi người đựơc mời gọi yêu thương và tha thứ cho nhau như Chúa đã yêu thương và tha thứ cho chúng ta “các con hãy tha thứ không những bảy lần nhưng mà bảy mươi lần bảy ”  và “ hãy yêu thương tha nhân như chính mình các con vậy”.

Vì là con người ai cũng có lúc yếu đuối, sa ngã, làm xúc phạm đến người này, phật ý người khác. Chúng ta cũng vậy, chúng ta hãy thừa nhận rằng mình cũng yêu đuối như bao kẻ khác mà thậm chí còn hơn. Nhưng chúng ta đã được tha thứ, không ai khác đó là Chúa Giê-su. Vì thế chúng ta cũng hãy tha thứ cho những anh em mình.

Hơn nữa trong cộng đoàn làm sao chúng ta có thể nói rằng là mình ghét người này, không yêu, không thích người kia và căm thù người nọ vì hằng ngày chúng ta gặp nhau thường xuyên khi đi ra, khi đi vào, lúc đọc kinh, khi tham dự Thánh lễ, lúc ăn cơm, cũng như lúc làm việc chung…, mặt giáp mặt. Thử hỏi nếu không tha thứ, yêu thương làm sao mà chịu nổi khi mặt giáp mặt như vậy được? Ở ngoài đời, khi giáp mặt như vậy thì không đánh nhau, cũng chửu nhau. Bằng không thì cũng lánh mặt thật xa. Còn trong cộng đoàn thì chửu nhau cũng không xong, mà đánh nhau lại càng không xong và còn lánh mặt thì đi đâu? Chúa nói: “ các con hãy nhận nhục và tha thứ cho nhau”. Nếu không, chỉ còn cách nữa là về lấy vợ thôi, nhưng cũng khó mà hạnh phúc được.

Chúa nói: “ Nếu khi con đi dâng của lễ mà trong lòng còn có bất hòa với một anh em mình, thì hãy bỏ của lễ đó, về làm hòa với ngưới đó trước rồi đến dâng của lễ ”. Trong cộng đoàn, mỗi ngày chúng ta đều tham dự thánh lễ và các giờ kinh ít nhất là ba lần, mỗi lần chúng ta đi đến gặp Chúa và Ngài cũng nói với chúng ta rằng: con hãy đi về làm hòa với anh em con đi rồi đến tham dự thánh lễ, chúng ta sẽ trả lời Ngài thế nào? Thật khó đúng không ?

Con người tự mình rất là khó, vì ai cũng luôn mang trong mình tính tự kiêu, tự ái, khó để nói lên lời xin lỗi, lời tha thứ… may thay chúng ta, những người được sống trong cộng đoàn. Trong cộng đoàn, anh em của chúng ta là những cầu nối giúp chúng ta làm hòa với nhau, giúp chúng ta xích lại gần nhau qua những lời khuyên, những lời nhắc nhở ân cần hay là trong các buổi họp, giờ chia sẽ.

3. TƯƠNG QUAN CÁC CÁ THỂ TRONG CỘNG ĐOÀN

* Tương quan với bề trên.

Cộng đoàn cũng giống như bao tổ chức ngoài xã hội khác, đều có tôn ty trật tự, có trên có dưới. Nhưng các tổ chức ngoài xã hội thì được xây dựng theo mô hình kim tự tháp. Còn trong Giáo Hội nói chung và các cộng đoàn dòng tu nói riêng thì được xây dựng theo mô hình đường tròn (CĐ Vaticano II). Người ngoài xã hội thì lấy quyền, lấy danh, lấy tiền và lấy sức mạnh mà cai trị nhau. Còn trong anh em thì không “hãy lấy tình yêu mà khuyên bảo lẫn nhau”. Trong cộng đoàn, người bề trên là người được anh em tín nhiệm bầu lên. Vì thế, phải có trách nhiệm đối với cộng đoàn và đối với anh em, phải sống làm sao không phủ sự tín nhiệm của anh em. Thay vì lên mặt dạy đời, cậy quyền bề trên, cậy vài khả năng mà Chúa ban cho mình mà bắt nạt hay la mắng, chỉ trích anh em. Thì khiêm nhường, tin tưởng anh em mà giao cho họ những công việc, dù biết rằng việc đó họ làm sẽ không tốt bằng mình. Nhưng đó chính là lúc tạo cơ hội cho anh em làm việc, tạo cơ hội cho anh em phát triển khả năng của họ. Qua đó, tạo nên sự đoàn kết trong cộng đoàn và đồng thời để mọi người cùng có cơ hội chia sẽ công việc chung với nhau.

Người bề trên là người biết khiêm nhường. Chúa nói: “ ai muốn làm lớn trong anh em là người phục vụ anh em”. Khiêm nhường để phục vụ, khiêm nhường để biết mình, mình chẳng là gì cả, mọi sự đều bởi Chúa ban, khiêm nhường để anh em xung quanh mình được lớn lên.

Người bề trên là người biết lắng nghe, nhận nại, không quyết đoán vội. Cần phải xem xét, bàn hỏi ý kiến anh em trước khi quyết đinh các vấn đề liên quan đến cộng đoàn.

Còn anh em, khi đi tu thì đức vâng lời là cao cả: vâng lời bề trên, tuân thủ luật lệ cộng đoàn, chăm lo đời sống thiêng liêng, phấn đấu yêu thương, đoàn kết và phục vụ theo linh đạo của dòng, của cộng đoàn. Thế nhưng, ngày nay có nhiều người khi còn ở bậc thầy, bậc chú thì đức vâng lời có vẽ như rất cao. Nhưng khi đã trở thành linh mục rồi thì hình như đức vâng lời đó đã dần dần biến mất, trở thành đức kiêu hạnh. Mọi việc đều tự quyết, chẳng nghe ý bề trên, cũng chẳng tuân thủ luật cộng đoàn. Tự cho mình là ngon, là oai, nghênh ngang, ngạo mạn muốn đi đâu là cứ việc đi không ai có thể cản nổi.

* Tương quan với anh em

Khi soi gương chúng ta mới biết mình đẹp hay xấu, có những nốt sẹo hay ung nhọt nào trên mặt. Con người chúng ta cũng vậy, có rất là nhiều khuyết điểm, nhưng chúng ta rất khó nhận ra. Khi bước vào đời sống cộng đoàn, anh em chung quanh chúng ta như những tấm gương soi để chúng ta có thể nhận biết mình, biết những khả năng cũng như những khuyết điểm của chính mình. Nhưng trong anh em, nhiều lúc cũng có những tấm gương đã bị lu mờ và cần đến mình và các anh em khác lau rữa.

Trong cộng đoàn, các anh em chính là những người giúp chúng ta nhận ra những thiếu sót, những yếu điểm của chính mình. Nhưng vấn đề ở chỗ là chúng ta có chịu để cho người khác chỉ ra những ung nhọt, những xấu xa tội lỗi của chúng ta hay không? Và khi nhận ra chúng ta có chịu đau thương mà sửa đổi hay không là điều quan trọng. Như cây nho kia nếu không chịu đau thương, chảy máu để người làm vườn cắt tỉa thì làm sao sinh được trái thơm, quả ngọt cho đời.

Đời sống cộng đoàn đòi hỏi con người phải hy sinh rất nhiều, phải vượt qua chính mình, mở lòng ra để đón nhận anh em. Mỗi anh em chung quanh chúng ta là mỗi thập giá Chúa gửi đến cho mình. Thập giá, đó là những sai khác, những cá tính của người khác làm mình khó chịu, không hài lòng. Nói một cách nhẹ hơn, mỗi anh em chung quanh chúng ta như những món quà Chúa gửi tặng cho chúng ta. Món quà đó có thể làm cho chúng ta rất khó chịu, khó mà chấp nhận: đó là những người thù địch, chống đối, làm phật lòng ta. Nhưng cũng có những món quà mà làm chúng ta rất là hài lòng: đó là những người hợp với chúng ta, những người hay giúp đỡ, không làm chúng ta phật lòng. Khi nói đến quà, tức là nói đến kết quả của tình yêu, vì yêu thương hay vì một công trạng nào đó mà người ta mới tặng quà, biếu quà. Trước mặt Thiên Chúa xét về công trạng thì chúng ta chẳng có gì cả, nhưng vì chữ yêu mà Ngài đã ban tặng cho chúng ta những món quà đó. Vấn đề là ở chỗ, thái độ đón nhận những món quà đó như thế nào? Có người thì vui vẻ chấp nhận, có người thì chấp nhận nhưng không được hài lòng và cũng có người đã khước từ.

Mỗi chúng ta, Chúa ban cho mỗi người mỗi khả năng. Kẻ thì Người ban cho mười nén, kẻ thì Người ban cho năm nén, kẻ khác thì Người ban cho hai nén, một nén…Chúng ta hãy dùng những nén bạc mà Ngài đã ban để làm sinh lợi ra những nén khác. Nén bạc chính là những khả năng, tài trí, sức khỏe…để chúng ta hộ trỡ, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến về đích: đó là quê trời. Sở gì Chúa ban cho mỗi người mỗi khác như vậy, có người lại bảo là Ngài không công bằng. Nhưng thực ra, Ngài rất công bằng vô cùng. Trong một cây hoa, ai cũng muốn làm hoa hết. Thì ai sẽ làm lá, làm cành, làm rẽ…để cung cáp dinh dưỡng để nuôi toàn thân cây. Vì vậy, người làm hoa hãy tỏa hương thơm, kẻ làm lá hãy hấp thụ ánh sáng, anh làm rễ hãy hút chất dinh dưỡng để nuôi cây, mỗi người hãy chu toàn bộn phận của mình, với khả năng mà Chúa đã ban cho. Mọi người chúng ta cùng chung một thân thể, đó chính là Đức Ki-tô.

Nói vậy, người làm lá thì suốt đời là lá ư? Không đâu, đó là một dụ ngôn để nói lên sự liên đới, móc xích giữa mỗi người. Xã hội loài người nói chung và anh em ở trong cộng đoàn nói riêng được ví như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Mà trong đó, ai cũng cần sự giúp đỡ của người khác, không ai bảo là mình đủ không thiếu cái gì, cũng không cần ai giúp đỡ gì. Và chính họ cũng phải ra sức để giúp đỡ anh em mình. Chính vì cái đó đã tạo móc xích, sự liên kết làm cho mối dây liên kết bền càng bền thêm.

Trong cộng đoàn, mọi người đều phải phấn đấu, kẻ thì phấn đấu trở thành tiến sĩ, nhà thần học, người thì phấn đấu trở thành một linh mục tốt, có người thì phấn đấu để làm bề trên chẳng hạn …Ngoài xã hội, thì người ta phấn, vươn lên bằng đồng tiền, sức mạnh, bằng mọi mưu mô quỷ quyệt, dậm anh này đạp anh kia để đạt mục đích của họ. Còn trong cộng đoàn thì khác, chúng ta phải phấn đấu vươn lên tự chính mình qua sự giúp đỡ cuả anh em và nhất là sự cậy trông nơi Chúa, Đấng không bao giờ bỏ rơi ta.

Trong cuộc sống, chúng ta cũng cần có những lúc ngồi nói chuyện tếu thư giản, bàn luận. Nhưng chúng ta cần nên tránh đưa chuyện anh em khác ra để xoi mói hay là kích động, chia rẽ làm mất sự đoàn kết trong cộng đoàn.

Trong chúng ta cũng không tránh được những người ưa nịnh hót, thích nói chuyện với bề trên để chọc người này, đâm người khác và nhằm nâng cái tôi mình lên. Sống với anh em thì chẳng ra gì, nhưng khi gặp bề trên thì tỏ vẻ kính cẩn, ân cần, nói thì một thưa hai dạ. Những người như vậy, không sớm thì muộn cũng sẽ bị đào thải, không ai khác mà tự chính mình.

Hy vọng rằng trong cộng đoàn chúng ta, ai cũng biết hy sinh, chịu đau thương để người khác cắt tỉa những cái hư, những tật xấu, loại bỏ cái tôi ích kỷ, tội lỗi của chính mình, để trở thành những cây nho tươi tốt sinh nhiều trái thơm, quả ngọt cho cộng đòan, Giáo hội và xã hội.

4. SỨ VỤ CỘNG ĐOÀN

* Sứ vụ truyền giáo.

Khi bước vào cộng đoàn mọi người chúng ta đặc biệt được mời gọi trở nên những môn đệ thân tín của Chúa Giê-su. Chúng ta được mời gọi ra đi rao giảng Tin Mừng cho hết mọi loài thọ tạo, mang tình yêu của Chúa đên cho hết mọi người, nhất là những người nghèo khổ, ốm đau, bệnh tật, những người già nua không nơi nương tựa, những em nhỏ không cha không mẹ, những kẻ đầu đường xó chợ sống lang thang vất vưởng không nhà không cựa, những người lầm đường lỡ bước. Trong Giáo Hội chúng ta ngày nay, có nhiều cộng đoàn với nhiều linh đạo khác nhau: Có cộng đoàn thì chuyên lo cho người nghèo, có cộng đoàn thì chuyên lo về giáo dục, có cộng đoàn thì chuyên lo cho những người bị các tệ nạn xã hội như xì ke ma túy, sida và có những cộng đoàn thì chuyên lo về cầu nguyện. Có vô số cách thức để chúng ta đem Tin Mừng và tình thương của Chúa đến cho người khác, tùy vào khả năng và năng lực mà Chúa ban cho mỗi một chúng ta.

* Sứ vụ mở rộng.

Chúa Giê-su mời gọi chúng ta “các con hãy ra đi khắp mọi tư phương thiên hạ để loan truyền tình thương của Thầy”. Đời sống dâng hiến luôn mời gọi chúng ta ra đi, mở rộng những cộng đoàn mới, những nơi đang còn thiếu bóng Đức Ki-tô, những nơi đang còn khao khát tình thương của Ngài. Thế nhưng, trong chúng ta có nhiều người rất ngại khó, ngại khổ, sợ liên lụy, sợ xa người thân… không giám ra đi. Đức Giáo Hoàng Gio-an Phaolô II nói: “đừng sợ”.

* Sứ vụ quy tử.

Như mục tử quy tụ đoàn chiên thế nào? Phần chúng ta, Chúa cũng mời gọi chúng ta ra đi không những đem Tin Mừng, tình thương của Ngài đến cho mọi người nhưng còn phải quy tụ họ về một mối, trong tình thương của Chúa.

LỜI KẾT

Ngày nay,chúng ta đang sống trong một xã hội mà trong đó còn người luôn luôn chạy theo tiền tài, danh vọng và nhất là sắc dục luôn lôi kéo con người sa vào những con đường của tội lỗi. Khi đi tu, nếu chúng ta không cố gắng hằng ngày để vứt bỏ những tình cảm trai gái, những ước muốn tính dục không lành mạnh thì chúng trở thành như một cái xác không hồn bị nhốt trong nhà dòng. Và vì thế, chúng ta luôn cảm thấy cô đơn, thất vọng. Để lấp chỗ trống của sự cô đơn, thất vọng ấy, một số người đi tu tìm đến những cuộc nhậu nhẹt, những giờ hát karaoke… có người thì đi tìm những thú vui hưởng thụ khác mà nhiều khi quyên đi mình là ai, mình phải làm gì, trách nhiệm của mình là gì?  Họ không nghị rằng, họ không bao giờ cô đơn vì có Chúa luôn ở cùng với họ. Vì thế cộng đoàn là nơi giúp mọi người nhận ra điều đó.

Đời sống cộng đoàn giúp con người không cảm thấy cô đơn, khi đồng hành với anh em, chia sẽ những chén cơm, bát chao, cùng nhau cất lên những lời kinh tiếng hát, cùng nhau chia sẽ một tấm bánh là mình và máu Đức Ki-tô.

Cộng đoàn mang một ý nghĩa hết sức to lớn. Nó là ngôi nhà của mọi người, là sức sống của mọi thành viên trong cộng đoàn, là niềm hy vọng của tha nhân vào Tin Mừng và tình thương Chúa, là niềm hy vọng của Giáo Hội nơi những chứng nhân Tin Mừng của thời đại. Vì thế mỗi người trong cộng đoàn chúng ta được mời gọi hãy trở thành những chứng nhân ngay bắt đầu trong nơi mình đang sống.

Nguyễn Văn Thế,

Nhà tìm hiểu Bình Lợi II,

( Bài thuyết trình do C. Thắng đề nghị trong chương trình: dossier de lecture, dành cho anh em tìm hiểu )