MỘT VÀI CẢM NGHIỆM SAU BUỔI DàNGOẠI

Qua một tuần học tập và làm việc căng thẳng, chúng tôi, những ứng sinh tìm hiểu của Dòng Đức Mẹ Lên Trời cùng với cha Giám đốc có một cuộc dã ngoại văn hóa vòng quanh Sài gòn, một địa điểm được gọi là hòn ngọc viễn đông của khu vực.
Chương trình dã ngoại đã được cha thông báo từ cách đó một tuần. Kể từ đó, người nào trong chúng tôi cũng ngóng đợi, đợi chờ cái giờ phút được sãi bước bên nhau cùng nhìn ngắm các tòa nhà cao tầng cùng với những con người thân thương đang tấp nập vươn mình lên để cùng nhịp với thời gian. Mặc dù trong anh em có người đã từng sống trên mãnh đất sài gòn đến gần “chục” năm nhưng ít có cơ hội và thời gian để ngắm nhìn một cách tổng thể, và bước đi những bước thư giãn vứt bỏ mọi lo toan và xô bồ của cuộc sống thị thành. Đây là cơ hội tốt để chúng tôi hiểu biết về nhau nhiều hơn, cùng tìm hiểu các nét đặc trưng văn hóa của con người và đất nước Việt Nam nói chung và cách riêng tìm hiểu về nét đẹp phồn hoa của con người Sài gòn này.
Chương trình dã ngoại chia làm 2 phần chính: xem phim tại viện trao đổi văn hóa Việt Pháp Idecaf và đi dạo vòng quanh Sài gòn (khu vực Q.1). Đúng 3 giờ chúng tôi có mặt tại Idecaf, xe chúng tôi vừa đến cổng thì thấp thoáng thấy bóng dáng cha giám đốc đã có mặt tại phòng vé đợi chúng tôi tự bao giờ, như một người cha đợi chờ những đứa con thơ dại của mình. Vừa thấy chúng tôi cha nở một nụ cười hiền hậu và thúc dục chúng tôi mau mau bước chân vào phòng chiếu phim để kịp theo dõi những thước phim đầu tiên. Hôm nay thật diễm phúc, chúng tôi được xem một bộ phim thật ý nghĩa: Chuyện tình nhà ga (Roman de Gare), nghe tựa đề có vẻ như đây là một chuyện tình ly kỳ hấp dẫn, hoặc lâm ly bi đát nhưng lại mang một ý nghĩa khác, một ý nghĩa dường như nó là đề tài hướng dẫn tôi có một cái nhìn và một chủ đề khi đi dạo: một sự đối lập của nếp sống và con người ở thôn quê và chốn thị thành, và vì cuộc sống mưu sinh, các thanh niên trai gái phải rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn đến với một vùng đất mới để tìm kế sinh nhai, và nơi đây đã biến đổi họ trở thành một con người khác, một con người không còn nét vẻ chất phát của vùng thôn dã, mà mang đậm trong mình những nét “kêu sa” của vùng đô thị, lời ăn tiếng nói không còn mộc mạc thơ ngây mà mang đậm những lo toan tính toán…
Sau khi xem phim, chúng tôi làm một cuộc đi dạo dọc các con đường khu vực trung tâm Sài gòn. Người nào trong chúng tôi cũng nói nói cười cười, một nụ cười hồn nhiên và hạnh phúc hiện rõ lên khuôn mặt làm xóa tan đi bầu không khí tấp nập và ồn ào, bầu không khí căng thẳng của những khu vực mà chúng tôi có cơ hội bước tới. Vừa đi vừa trò chuyện, vừa đi vừa ngắm nhìn các kiến trúc hiện đại xen lẫn với các nét đẹp cổ kính của các tòa nhà cao tầng, điều này làm tái hiện trong chúng tôi những trang lịch sử của dân tộc. Đi vòng vòng qua mấy con đường tôi nhận thấy rằng trong cuộc sống luôn tồn tại những sự đối lập: Một bên là các tòa nhà cao tầng, với thiết kế sang trọng, được trang hoàng lộng lẫy, và một bên là các khu nhà ổ chuột, đơn sơ, nghèo khổ; Một bên là các quán ăn, nhà hàng sang trọng và thấp thoáng bên vệ đường là những gánh hàng rong, những xe đẩy thức ăn bán cho người có thu nhập thấp; Dọc các con đường những chiếc Audi, những chiếc Lexus bóng loáng trị giá hàng trăm ngàn đôla đang chen chút chờ bến đậu, bên cạnh đó những chiếc ba gác thô sơ, cũ kỹ làm sinh kế cho hàng triệu gia đình… và còn hàng ngàn hàng ngàn sự đối lập khác nữa. Có thể nói con người luôn sống trong những sự đối lập và luôn đấu tranh đòi lại sự công bằng hay ít nhất thu ngắn lại khoàng cách giữa các sự đối lập ấy. Tôi xin phép quay lại với chủ đề mà qua những thước phim ngắn ngũi đã để lại trong tôi: một sự đối lập giữa cuộc sống, con người nông thôn và thành thị. Như trong xã hội Việt Nam, ta nhận thấy rằng cuộc sống thôn quê vốn dĩ yên bình, thanh thả, cùng với những con người mộc mạc, chất phát, ngày ngày quần quật với công việc đồng áng, tối đến cùng quây quần bên nhau trong những bữa ăn thắm đượm tình người, “sống chết có nhau”, nương tựa vào nhau, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Cuộc sống thôn quê vốn dĩ yên bình là thế nên ta có thể dễ dàng nhận thấy sự khác biệt với cuộc sống thành thị: với bao xô bồ, bon chen, với những con người ngày ngày tất bật lo toan cho cuộc sống thậm chí không có thời gian dành cho gia đình trong những bữa cơm hằng ngày. Cuộc sống đóng khung trong bốn bức tường…. thế nên tôi tự hỏi còn đâu là mối liên kết – tình huynh đệ giữa người với người, hay chỉ sống và sống để hưởng thụ cho riêng mình??? Một câu hỏi đến nay trong tôi vẫn chưa có lời giải đáp.
Cuộc sống xã hội ngày càng đi lên, con người càng tìm kiếm những giá trị cao hơn cho mình, trước hết họ tìm kiếm những giá trị vật chất nuôi sống bản thân và gia đình. Vì thế, không khỏi ngạc nhiên khi thấy những vùng quê hiện nay lực lượng lao động chính chỉ còn lại những người già và trẻ em, còn tầng lớp thanh niên đã rời bỏ quê hương vào thành thị nơi những khu công nghiệp mọc lên san sát, nơi hứa hẹn tìm được một cơ hội thay đổi cuộc đời…. Và ở nơi đó, có bao nhiêu người còn giữ được cho mình một nét nào đó đặc trưng đánh dấu cội nguồn, hay đã mau chóng “biến hóa” để thành một con người thành thị “chính hiệu” bằng những cuộc ăn chơi trác táng. Đây cũng là điểm lưu tâm và làm “nhức đầu” biết bao nhiêu người đang phục vụ trong việc hướng dẫn những người di dân. Một công việc đòi hỏi lòng thương cảm, lòng nhiệt thành, tận tụy phục vụ và cho đi một cách nhưng không. Nhìn lại bản thân và những công việc hằng ngày, tôi nhận thấy rằng mình rất hạnh phúc khi không phải lo toan cho việc kiếm tìm vật chất, hạnh phúc vì có cơ hội được học hành và hạnh phúc hơn khi bên cạnh tôi có những người anh em và quý cha quý thầy luôn đồng hành và hướng dẫn, chia sẻ và lắng nghe những nổi niềm thao thức, buồn vui trong cuộc sống.
Quay trở lại với cuộc dã ngoại, sau khi di dạo quanh thành phố, chúng tôi vào nhà sách, nơi bán toàn những sách tiếng pháp, cha giám đốc muốn chúng tôi làm quen với ngôn ngữ tiếng pháp qua các trang sách, hiểu hơn về văn hóa Pháp và quan trọng hơn hết là có cơ hội thực tập những gì đã học trên lớp.
Bầu trời cũng đã chuyển màu, những ngọn đèn đường lấp lóe từng tia sáng soi đường cho chúng tôi bước đi những bước nhẹ nhàng và uyển chuyển. Nhẹ nhàng vì chúng tôi có một tâm hồn thoải mái, và “nhẹ nhàng” vì chúng tôi ai nấy đều đã “đói” bụng. Chúng tôi mua mỗi người một ít thức ăn nhẹ và ngồi quây quần bên nhau cùng ăn, cùng trò chuyện, cùng ngắm nhìn và cùng gửi gấm những suy tư cho những chiếc thuyền đang trôi lên đênh trên dòng nước……Và rồi thời gian cũng đến, cuộc vui nào cũng tàn, đây cũng là lúc chúng tôi kết thúc buối dã ngoại văn hóa. Mỗi người trong chúng tôi ra về trong cảm giác nao nao, ra về cùng với những suy tư và những kinh nghiệm này sẽ giúp ích cho chúng tôi rất nhiều trong hành trình ơn gọi và trong cuộc sống.





Bình luận về bài viết này